Ba từ khóa để xuất bản vươn mình

Ba từ khóa để xuất bản vươn mình

Thứ 6, 08/11/2024 | 01:13

Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, xuất bản Việt Nam đang hướng tới ba mục tiêu: đổi mới, sáng tạo và hội nhập.

Trong 20 năm qua, quy mô ngành Xuất bản Việt Nam đã tăng gấp 2 lần và lọt vào top những nền xuất bản tiên tiến trong khu vực. Dẫu vậy, một số hạn chế vẫn còn tồn tại và đòi hỏi các bên liên quan cần nhìn nhận thẳng thắn nhằm tìm ra giải pháp phù hợp.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói "đổi mới", "sáng tạo", "hội nhập" là ba từ khóa mà ngành xuất bản thực hiện để vươn mình mạnh mẽ.

Bước tiến mạnh mẽ của xuất bản Việt Nam

- Thưa ông, trong thời gian qua, ngành Xuất bản Việt Nam đã có những thành tựu nào?

- Trước hết, về quy mô, số lượng sách xuất bản hàng năm đã tăng mạnh từ khoảng 20.000 đầu sách lên gần 40.000, trong khi số lượng bản in đạt gần 600 triệu bản, gấp ba lần so với trước đây.

Từ khoảng 44 nhà xuất bản và hơn 30 doanh nghiệp liên kết vào đầu những năm 2000, nay chúng ta có gần 300 đơn vị tham gia vào việc liên kết xuất bản, bao gồm các đơn vị quy mô lớn và có đầu tư công nghệ hiện đại. Sự gia tăng này giúp ngành xuất bản phục vụ đa dạng nhu cầu của độc giả và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Từ khoảng 44 nhà xuất bản và hơn 30 doanh nghiệp liên kết vào đầu những năm 2000, nay chúng ta có gần 300 đơn vị liên kết xuất bản, bao gồm các đơn vị quy mô lớn, hiện đại’’.

Ông Nguyễn Nguyên

Ngoài ra, lực lượng nhân sự trong ngành không chỉ tăng về số lượng mà còn được nâng cao về chất lượng. Ngành xuất bản đã xây dựng được một đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn và khả năng thích ứng với sự thay đổi, sẵn sàng đón nhận những thách thức mới.

Về mặt công nghệ, ngành xuất bản Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong áp dụng công nghệ hiện đại, nhất là trong thời đại chuyển đổi số. Đến nay, có gần 30 nhà xuất bản đã tham gia vào hoạt động xuất bản điện tử với hơn 4.000 đầu sách số, chiếm 10-15% tổng số sách xuất bản hàng năm.

 

Độc giả chọn sách tại đường sách Tết 2024 TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh.

Các đơn vị như Voiz FM và Fonos cũng đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển sách nói, giúp độc giả tiếp cận với sách theo cách mới mẻ và thuận tiện hơn.

Hệ thống thương mại điện tử và các nền tảng số đã mở rộng khả năng phát hành, giúp sách dễ dàng đến tay bạn đọc trên cả nước và quốc tế. Điều này cho thấy ngành xuất bản không chỉ bắt kịp với xu hướng công nghệ thế giới mà còn đang tiên phong trong việc áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

- Bên cạnh những thành tựu trên, chúng ta có thể nhìn thẳng vào những lực cản nào mà ngành xuất bản cần vượt qua?

- Ngành xuất bản tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần nhìn nhận lại.

Trước tiên, nhiều nhà xuất bản vẫn chưa thích ứng kịp với thách thức từ nền kinh tế thị trường. Không ít nhà xuất bản co cụm trong hoạt động cấp phép và biên tập, thay vì chủ động trong việc tìm kiếm và phát triển nguồn bản thảo phù hợp với nhu cầu của thị trường. Số lượng nhà xuất bản thực sự có khả năng bắt nhịp với thị trường vẫn còn hạn chế, dẫn đến sự chậm trễ so với sự phát triển chung của ngành.

Thứ hai, hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện là một vấn đề nổi bật, đặc biệt trong việc bảo vệ bản quyền. Tình trạng in lậu và khó kiểm soát trên các sàn thương mại điện tử khiến ngành xuất bản chịu nhiều tổn thất do hàng giả, hàng thật lẫn lộn.

Thứ ba, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng của ngành, đặc biệt là thị trường sách điện tử. Với dân số trên 100 triệu người và hơn 70 triệu thuê bao di động, số lượng người dùng sách điện tử chỉ khoảng 5 triệu tài khoản là con số còn khiêm tốn.

Cuối cùng, thể chế là bài toán của mọi bài toán. Muốn giải quyết các hạn chế của ngành, ta không chỉ bắt đầu với các văn bản hướng dẫn mà còn là nhận thức của các cấp quản lý về xuất bản.

Hướng tới một nền xuất bản hiện đại, chất lượng và tinh gọn

- Trong kỷ nguyên vươn mình hiện nay, xuất bản Việt Nam sẽ tập trung vào những mục tiêu gì?

- Trong tương lai, ngành xuất bản Việt Nam có ba mục tiêu chính: đổi mới, sáng tạo và hội nhập.

Đầu tiên, xuất bản sẽ chú trọng đổi mới tư duy và cách làm, dựa trên giá trị cốt lõi là cung cấp tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn. Việc này đòi hỏi các nhà xuất bản gắn bó mật thiết với thị trường và điều chỉnh quản lý linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của độc giả, tạo không gian phát triển bền vững và tiếp cận rộng rãi.

“Ngành xuất bản phải trở thành một trong 12 lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa, lấy sáng tạo làm nền tảng’’.

Ông Nguyễn Nguyên

Xuất bản Việt Nam tập trung sáng tạo các sản phẩm đa dạng trên nền tảng số, nhằm thích ứng và định hướng nhu cầu đọc ngày càng phong phú.

Bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm độc đáo, toàn ngành còn hướng tới việc xây dựng một hệ tri thức Việt Nam, thúc đẩy khát vọng của đất nước vươn tầm thế giới. Mục tiêu quan trọng hiện nay là trở thành một trong 12 lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa, lấy sáng tạo làm nền tảng.

Cuối cùng, ngành xuất bản định hướng hội nhập với khu vực và quốc tế, theo sát những bước tiến mới của đất nước. Xuất bản Việt Nam không chỉ muốn phát triển mạnh mẽ trong khu vực mà còn đóng vai trò tích cực trong các sự kiện xuất bản toàn cầu. Chúng ta hy vọng có thể trở thành khách mời danh dự tại Hội sách Frankfurt và phấn đấu để Việt Nam trở thành Thủ đô Sách Thế giới trước năm 2030.

  

Độc giả trải nghiệm sách nói Voiz Fm

- Để đạt được các tiêu chí hiện đại, chất lượng và tinh gọn trong kỷ nguyên vươn mình, ngành Xuất bản có thể các giải pháp nào?

- Về thể chế, chúng ta cần hoàn thiện và củng cố các chính sách, đặc biệt là Luật Xuất bản, để xây dựng một khung pháp lý vững chắc và minh bạch cho ngành. Hành lang pháp lý phải được thiết lập để không chỉ hỗ trợ các nhà xuất bản vượt qua khó khăn trong kinh doanh, mà còn bảo vệ quyền lợi của họ, từ chính sách thuế đến thuê đất và hỗ trợ tài chính dài hạn... Cơ chế này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ xã hội mà còn giúp ngành xuất bản phát triển bền vững.

Về tổ chức thực hiện, ngành xuất bản phải ưu tiên bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả. Với sự phát triển của thương mại điện tử và giao dịch trực tuyến, việc in lậu và buôn bán sản phẩm giả đã trở thành thách thức lớn. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp quản lý để ngăn chặn vi phạm bản quyền và nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Về nguồn nhân lực, ngành xuất bản phải đầu tư vào phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Cần mở rộng các chương trình đào tạo chuyên sâu về xuất bản, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Hiện nay, chúng ta đang thấy những nỗ lực đáng ghi nhận từ các trung tâm đào tạo như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TP.HCM. Tuy nhiên, cần phải có thêm nhiều trung tâm chuyên sâu và chương trình đào tạo chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên số.

Cuối cùng, hợp tác quốc tế là một yếu tố không thể thiếu để ngành xuất bản Việt Nam vươn ra thế giới. Chúng ta cần tích cực tham gia vào các tổ chức xuất bản quốc tế và tạo dựng mối quan hệ với các nước để khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ xuất bản toàn cầu. Đặc biệt, cần hướng tới các danh hiệu quốc tế như “Thủ đô sách”, qua đó không chỉ nâng cao thương hiệu quốc gia mà còn tạo cơ hội học hỏi và phát triển.

 

 

Nguồn: Znews.vn