Bước đi tất yếu của xuất bản Việt

Bước đi tất yếu của xuất bản Việt

Thứ 6, 11/10/2024 | 01:07

Những năm qua, ngành xuất bản đã nỗ lực làm ra nhiều sách hay, chất lượng. Đẩy mạnh chuyển đổi số là bước đi tiếp theo để ngành sách phục vụ tốt hơn trong việc nâng cao dân trí, phục vụ nhu cầu giải trí của người Việt

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh: Việt Linh.

Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - mức 6 bản sách/người là một chỉ số tích cực so với nhiều năm về trước. Tuy nhiên, con số này vẫn có thể được nâng lên nhờ các chính sách phù hợp tác động sâu rộng đến văn hóa đọc đại chúng và hoạt động xuất bản của các chủ thể trong ngành.

Để phát xuất bản phát triển hơn, tham gia thúc đẩy văn hóa đọc lên tầm cao mới, ngành sách đang đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội lớn.

Xuất bản Việt Nam trước tác động từ làn sóng số

 

 

- Theo ông, đâu là những thách thức lớn ngành xuất bản tại Việt Nam đang phải đối mặt?

- Ngành xuất bản Việt Nam đang đối mặt với ba thách thức lớn. Trước hết, quy mô dân số đã vượt mốc 100 triệu người nhưng năng lực phát triển của ngành xuất bản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Sản lượng sách hiện nay chỉ đạt khoảng 500 đến 600 triệu bản mỗi năm, tức là trung bình mỗi người chỉ có khoảng 4 đến 5 cuốn sách. Con số này rõ ràng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng tăng của một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như chúng ta.

Thứ hai, các nhà xuất bản cũng đang gặp thách thức trong việc hiện đại hóa và chuyển đổi số. Sự chậm trễ trong chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của chúng ta trên thị trường xuất bản toàn cầu.

Cuối cùng, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong việc nâng cao kỹ năng số. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng công nghệ là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững.

- Việc số hóa và sự phát triển của công nghệ số đã tác động như thế nào đến ngành xuất bản Việt Nam?

- Việc số hóa trong lĩnh vực xuất bản là một bước đi tất yếu và mang lại nhiều giải pháp hữu ích cho ngành. Số hóa không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ mà còn là việc tạo ra những phương thức làm việc mới, giúp ngành xuất bản trở nên hiện đại và hiệu quả hơn. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần có sự nỗ lực rất lớn từ phía các nhà xuất bản, cũng như các đơn vị trong ngành. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên sẽ đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, để số hóa thực sự thành công, chúng ta còn cần một hành lang pháp lý đủ thuận lợi, giúp khuyến khích và bảo vệ các hoạt động đổi mới. Đây là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển bền vững trong thời đại số.

- Sự phức tạp của cuộc chiến chống sách lậu đang ngày một tăng lên trên không gian Internet. Liệu đến hiện tại chúng ta đã có phương án nào để giải quyết triệt để được vấn đề này?

- Giải quyết vấn đề sách lậu trên không gian mạng đang là một thách thức lớn không chỉ với ngành xuất bản Việt Nam mà còn đối với cả những nền xuất bản có hệ thống pháp luật và quản lý chặt chẽ về bản quyền. Để bảo vệ quyền lợi của mình, tôi nhận thấy có hai giải pháp chính để vừa bảo vệ vừa chống lại sách lậu.

Đầu tiên, chúng ta cần bảo vệ các đơn vị xuất bản hợp pháp. Điều này có thể thực hiện bằng cách hợp tác với các nền tảng trực tuyến lớn như TikTok, Facebook để gắn thẻ xanh xác nhận các nhà xuất bản uy tín. Khi đó, độc giả sẽ dễ dàng nhận biết và tin tưởng các địa điểm cung cấp sách có giá trị và chất lượng. Đây là bước quan trọng giúp khách hàng tránh xa những đầu sách lậu và hỗ trợ cho các đơn vị xuất bản chính thống.

Giải pháp thứ hai là củng cố và phát triển các trung tâm bảo vệ bản quyền. Hiện nay, trung tâm này đã được thành lập nhưng chưa hoạt động hiệu quả do một số yếu tố về mặt nhân sự. Chúng tôi đang trong quá trình kiện toàn đội ngũ để đưa trung tâm vào hoạt động chính thức. Trung tâm này sẽ là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho các tác giả và nhà xuất bản trong cuộc chiến chống lại vi phạm bản quyền.

Bằng việc hợp tác và đấu tranh cùng các cơ quan pháp lý, chúng tôi tin rằng đây là hướng đi cần thiết để bảo vệ bản quyền, bảo vệ giá trị thực của sách trong bối cảnh không gian mạng đầy phức tạp như hiện nay.

Dư địa cho xuất bản Việt Nam phát triển

 

 

- Chúng ta từng đạt mức 6 bản sách/người, liệu trong tương lai, chúng ta có thể vượt qua con số này không?

- Việc nâng số bản sách trên đầu người tại Việt Nam là một mục tiêu quan trọng của ngành xuất bản. Từ năm 2004, chúng ta chỉ đạt khoảng 2,4 bản sách/người mỗi năm, nhưng đến nay đã có những bước tiến đáng kể. Hiện tại, dù có sự sụt giảm nhẹ trong thời gian gần đây, số lượng sách trung bình vẫn ở mức 5,4-5,5 bản/người. Đây là con số khá khả quan, cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành xuất bản.

Chúng tôi đặt kỳ vọng rằng từ nay đến 2025, số lượng sách trung bình sẽ trở lại mức 6-6,5 bản/người và đến năm 2030 có thể đạt con số 8 bản/người. Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển của ngành xuất bản mà còn thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao tri thức cho toàn xã hội.

 

Bạn trẻ tại phố sách 19/12.

- Ông có thể chia sẻ những cơ hội mà xuất bản sách điện tử và các nền tảng phân phối sách trực tuyến có thể mang lại cho ngành xuất bản Việt Nam?

- Việc tận dụng nền tảng thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất bản đang giúp rút ngắn khoảng cách địa lý, không chỉ giữa các vùng miền trong nước mà còn giữa các quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho ngành xuất bản khi sách có thể tiếp cận dễ dàng hơn đến độc giả ở mọi nơi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là việc quản lý chặt chẽ các nền tảng trực tuyến để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền.

Trong thời gian tới, khi Luật Xuất bản được sửa đổi và bổ sung, chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng cách đảm bảo quyền lợi các đơn vị phát hành sách trên những nền tảng số trung gian. Đồng thời, chúng tôi có thể ngăn chặn một số đối tượng lợi dung nền tảng này cho mục đích xấu. Việc này không chỉ giúp ngành xuất bản phát triển mà còn bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nhà xuất bản trong bối cảnh số hóa hiện nay.

- Theo ông, ngành xuất bản Việt Nam có thể khai thác những tiềm năng nào từ việc hợp tác quốc tế và dịch sách Việt sang các ngôn ngữ khác?

- Tiềm năng chuyển ngữ sách Việt Nam ra các ngôn ngữ khác hiện nay còn rất lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những hạn chế lớn nhất của ngành xuất bản Việt Nam là sự hiện diện mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Số lượng ấn phẩm của các tác giả và nhà xuất bản Việt Nam được phát hành ra nước ngoài rất ít, chỉ một vài đơn vị như Nhà xuất bản Kim Đồng thực sự có đầu sách vươn ra thị trường quốc tế.

Để khắc phục tình trạng này, việc đầu tiên cần thực hiện là tạo ra nội dung phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế. Điều này không chỉ thuộc về trách nhiệm của các nhà xuất bản mà còn cần sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm cả các cơ quan hỗ trợ sáng tạo và các tổ chức hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn hay Hội Xuất bản Việt Nam. Những tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc kết nối và dẫn dắt nhu cầu văn hóa, đồng thời thúc đẩy việc tiếp cận các xu hướng xuất bản mới trên thế giới.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần có những chính sách vĩ mô và chương trình cụ thể để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra quốc tế. Việc đưa sản phẩm xuất bản Việt Nam ra nước ngoài không chỉ giúp tăng cường giao lưu văn hóa mà còn thu hút đầu tư và hợp tác từ các nước khác.

Với những nỗ lực đồng bộ từ tất cả bên liên quan, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng chuyển ngữ sách Việt Nam ra các ngôn ngữ khác, góp phần nâng cao giá trị văn hóa và thương hiệu quốc gia.

 

Nguồn: znews.vn