Thứ 2, 04/11/2024 | 01:25
Tốc độ, quy mô, số lượng sách là những chỉ số tăng trưởng đáng kể sau khi hình thức liên kết xuất bản được thực hiện.
Độc giả tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần.
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, 100% nhà xuất bản hiện nay đã thực hiện việc liên kết xuất bản, 70% số đầu sách là sản phẩm của hình thức này. Quy mô xuất bản tăng lên 2 lần so với năm 2004.
Những con số trên cho thấy đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp làm sách tham gia cùng các nhà xuất bản trong việc nâng cao số lượng và chất lượng ấn phẩm. Cùng nhau, các đơn vị này đã góp phần thúc đẩy Việt Nam tiến tới con số 6,1 đầu sách/người/năm.
Khoảng hai thập kỷ trước, cả nước làm được 24.000 đầu sách với 250 triệu bản, cho đến năm 2018, toàn ngành đã xuất bản được 32.000 cuốn sách mới, với hơn 404 triệu bản. Năm năm sau, số xuất bản phẩm đã lên tới 38.029 xuất bản phẩm với 598 triệu bản. Năm 2023, dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, ngành vẫn duy trì mức xuất bản phẩm cao (37.487) và 536 triệu bản.
Trong khi đó, tỷ lệ các tác phẩm đến từ đối tác liên kết luôn ở gần mức 2/3 số sách được các nhà xuất bản ra mắt.
Ông Đỗ Quang Dũng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết: "Liên kết xuất bản đã huy động được vốn từ các công ty bên ngoài, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Các nhà xuất bản còn có thêm nguồn hỗ trợ từ đối tác, giúp việc xuất bản trở nên hiệu quả hơn".
Không chỉ là sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng sách cũng đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Nhiều đầu sách đã đạt đến con số trăm nghìn bản như Cây cam ngọt của tôi, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Sapiens: Lược sử loài người...
Nhờ những công ty liên kết, những tác phẩm trước đây được lưu hành nội bộ cũng đã được thương mại hóa để đến tay công chúng. Chẳng hạn tác phẩm Hướng dẫn viết về phim được quỹ Ford tài trợ chi phí dịch năm 2010 nhưng năm 2024 mới tái bản để ra mắt độc giả nhằm mục đích nâng cao tri thức về điện ảnh.
Cùng sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số, các đầu sách khoa học đã góp phần vào việc hình thành một thế hệ độc giả có khả năng tự nghiên cứu phù hợp với nhu cầu của thời đại mới.
Như vậy, sự chuyển biến trong ngành xuất bản không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn giúp nâng cao chất lượng tri thức của xã hội, khi người đọc có nhiều lựa chọn và tiếp cận được những nguồn kiến thức đa dạng hơn.
Tuy nhiên, sự phát triển của mô hình liên kết xuất bản đi cùng những thách thức mới. Áp lực từ nền kinh tế thị trường đã khiến quá trình xuất bản chạy theo tốc độ và chi phí thấp. Chất lượng các tác phẩm của đối tác liên kết giảm sút. Nhiều nhà xuất bản cũng đang lo ngại về điều này, trong khi độc giả ngày càng yêu cầu cao với sách.
Theo ông Phạm Trần Long - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới - nhận định nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là bởi ngành xuất bản chưa có một chiến lược phát triển tổng thể có tính chất lâu dài, bền vững.
"Với phần lớn nhà xuất bản, nguồn vốn là vấn đề khó khăn nhất. Việc không cấp đủ vốn và không đầu tư cho các nhà xuất bản chủ yếu do vướng mắc giữa các quy định của Luật chuyên ngành và Luật ngân sách, đầu tư công", ông Phạm Trần Long cho biết.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng chất lượng các tác phẩm của đối tác liên kết chưa tốt, một số nhà xuất bản vẫn chứng minh rằng với sự kiểm soát chặt chẽ, họ có thể đảm bảo làm ra được nhiều cuốn sách ấn tượng.
Tiêu biểu là Nhà xuất bản Sư phạm TP.HCM, đơn vị không chạy theo thị trường, chấp nhận để một mức phí cao với đối tác liên kết nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình biên tập nghiêm ngặt. Nhờ đó, nhà xuất bản có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, đặc biệt là các ấn phẩm khoa học, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Việc liên kết thành công không chỉ mang lại lợi ích cho nhà xuất bản mà còn cho cả các đơn vị đối tác. Khi các ấn phẩm được thực hiện cẩn thận, đáp ứng các tiêu chuẩn, nhà xuất bản sẽ được nhận về những khoản chi phí xứng đáng. Điều này tạo nên một vòng tuần hoàn tích cực, trong đó chất lượng sách cao góp phần nâng cao uy tín của nhà xuất bản và gia tăng giá trị kinh tế.
Mặc dù không phải nhà xuất bản nào cũng đạt được thành công tương tự, ví dụ từ Nhà xuất bản Sư phạm TP.HCM cho thấy rằng nếu quá trình liên kết được quản lý chặt chẽ và có sự đầu tư vào chất lượng, xuất bản liên kết vẫn có thể tạo ra những ấn phẩm xuất sắc và góp phần phát triển ngành sách Việt Nam.
Hai tác phẩm của đối tác liên kết được đề cử tại Giải Sách Quốc gia 2024.
Bên cạnh đó, ông Bùi Tuấn Nghĩa - Giám đốc Nhà xất bản Kim Đồng - cho biết để thu hút đầu tư, đơn vị có tham gia liên doanh, liên kết trong một số lĩnh vực xuất bản. Chủ yếu là những đề tài mà nhà xuất bản chưa có điều kiện đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc liên doanh, liên kết trước hết phải bảo đảm được các yêu cầu về chất lượng theo tiêu chí của Nhà xuất bản.
“Thực tế Kim Đồng đã duy trì được yêu cầu này đối với tất cả ấn phẩm liên kết, giữ vững được sự tin cậy của độc giả. Cũng mục đích nói trên, Nhà xuất bản rất coi trọng việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, cả về công tác xuất bản sách và các hoạt động chiều sâu khác, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí”, ông Bùi Tuấn Nghĩa - Giám đốc Nhà xất bản Kim Đồng - cho biết.
Ngoài ra, ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc Công ty sách Thời đại Times - cũng đánh giá cao quá trình liên kết xuất bản giữa các nhà xuất bản và công ty phát hành. Các chủ thể trong ngành đã phối hợp nhuần nhuyễn, bổ sung thế mạnh của nhau trong việc đưa các ấn phẩm đến tay độc giả.
“Bên cạnh một số trường hợp cho thấy sự buông lỏng quản lý hoạt động liên kết, vẫn có nhiều đơn vị làm tốt việc này. Họ có những bộ quy chuẩn chặt chẽ. Trong tương lai, tôi mong rằng sẽ có một bộ quy chuẩn chung cho các đơn vị”, ông Vũ Trọng Đại cho biết.
Từ những điểm sáng này, có thể thấy rằng liên kết trong xuất bản đang mở ra nhiều cơ hội mới, không chỉ giúp tăng cường số lượng sách xuất bản mà còn nâng cao chất lượng ấn phẩm, mang lại nhiều giá trị cho cả người đọc và các bên tham gia.
Nguồn: znews.vn
Thứ 7, 18/06/2022 | 00:38
Thứ 2, 28/02/2022 | 01:05
Thứ 6, 25/03/2022 | 19:41
Thứ 2, 28/02/2022 | 01:05
Thứ 4, 15/06/2022 | 07:26
Thứ 7, 18/06/2022 | 00:38
Thứ 7, 18/06/2022 | 02:57