Thứ 2, 19/08/2024 | 11:11
Thị trường việc làm ngày nay đòi hỏi người lao động phải có khả năng nắm bắt và vận dụng, thậm chí sử dụng thành thạo các công cụ AI trong lĩnh vực chuyên môn tương ứng.
Để xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo bậc đại học của ngành Kinh doanh xuất bản phẩm, cần gắn với hai yếu tố chính, là thực nghề, thực nghiệp:
Thực nghề là tăng thời lượng thực hành nghề trong chương trình đào tạo bằng việc: cử sinh viên kiến tập, thực tập sớm hơn hiện nay, cụ thể từ năm thứ hai; đặt vị trí của thực hành tương đương với vị trí của kiến thức học trên lớp bằng cách quy định số giờ thực hành và tính điểm số tương đương giữa kiến thức và thực hành.
Thực nghiệp là tăng cường hợp tác trao đổi với các doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực xuất bản - phát hành để tạo môi trường thực hành nghề nghiệp thường xuyên cho sinh viên, giúp có thêm trải nghiệm thực tế để vận dụng kiến thức và xây dựng bản lĩnh trong công việc.
Các khoa đào tạo xuất bản chuyển đổi hình thức bảo vệ khóa luận tốt nghiệp kiểu truyền thống sang bảo vệ đồ án tốt nghiệp (đối với sinh viên chuyên ngành biên tập, xây dựng đồ án làm sách) và dự án tốt nghiệp (đối với sinh viên chuyên ngành phát hành, xây dựng dự án kinh doanh). Điều này giúp cho sinh viên có cơ hội thực sự làm nghề như một người lao động đích thực ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, làn sóng công nghệ mà tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI) tác động sâu sắc, liên tục hàng ngày hàng giờ đến mọi mặt cuộc sống. Ngành xuất bản, phát hành (XBPH) không phải ngoại lệ. Các ứng dụng tiêu biểu và phổ biến của AI như chatGPT, Gemini, Copilot, Midjourney, Claude, Leonardo.Ai… đang khiến cho một loạt công việc trong ngành XBPH trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Hiện nay, giao dịch bản quyền, biên soạn, biên dịch, minh họa, trình bày, thiết kế, xây dựng kế hoạch truyền thông và kinh doanh… đều có thể ứng dụng công cụ AI. Đồng thời, chính khả năng tổng hợp kiến thức và xử lý thông tin ngày một thông minh của AI đang đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với việc truyền thụ kiến thức thuần túy trong nhà trường.
Theo đài NBC, Giáo sư Christian Terwiesch của Đại học Pennsylvania đã thử nghiệm cho chatGPT làm bài thi tốt nghiệp chương trình MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) của trường này; kết quả cho thấy AI chỉ cần vài giây hoàn thành bài thi với điểm B (6 - 6,99, trung bình khá). ChatGPT có thể vượt qua bài thi phỏng vấn vị trí lập trình viên level 3 của Google (mức lương 15.000 USD/tháng). Henry Williams - một nhà báo tự do ở London - đã yêu cầu chatGPT viết một bài báo giải thích về “cổng thanh toán”, chatGPT đã hoàn thành bài báo chỉ trong 30 giây, với kết quả kiểm tra đạo văn là 0%.
Trên đây chỉ là một số trong nhiều ví dụ về năng lực của AI, khiến chúng ta cần xem xét và điều chỉnh chương trình đào tạo, nếu không thì sinh viên tốt nghiệp ra trường khả năng cao sẽ bị AI thay thế.
Thị trường việc làm ngày nay đòi hỏi người lao động phải có khả năng nắm bắt và vận dụng, thậm chí sử dụng thành thạo các công cụ AI trong lĩnh vực chuyên môn tương ứng.
Thị trường việc làm đang được xác lập lại. Trên thế giới có trên 700 triệu việc làm đã mất đi do AI, song cũng có hơn 800 triệu việc làm mới được tạo ra nhờ AI. AI đang nhanh chóng trở thành trợ lý đắc lực của con người trong việc tổng hợp, xử lý thông tin (ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh) và kiến thức.
Nhưng thứ mà AI không có - điểm hạn chế hiện nay và cũng có thể là sự giới hạn của nó - chính là cảm xúc và tư duy lí luận. Đó chính là khoảng trống, đồng thời là nhiệm vụ chính yếu mà nhà trường có thể trang bị cho con người: giáo dục họ trở nên nhân bản và cung cấp cho họ phương pháp tư duy.
Thay vì thời lượng lớn dành cho việc truyền đạt kiến thức của từng môn học, tôi thiết nghĩ vẫn môn học đó nhưng có thể thiết kế chương trình để sinh viên có phương pháp tư duy về các việc căn bản sau: Biết cách đặt câu hỏi, Biết đánh giá khả thi và Biết cách vận dụng vào thực tế… Khi có phương pháp tư duy, sinh viên không chỉ biết về AI, tránh bị lệ thuộc mà còn biến nó trở thành công cụ hữu hiệu trong học tập suốt đời và phát triển sự nghiệp.
Môn Văn hóa kinh doanh bao quát nhiều nội dung thiết yếu về văn hóa trong kinh doanh như xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ứng xử,… Tuy nhiên, bản thân văn hóa trong một thời đại mới đang được định hình lại bởi làn sóng công nghệ hiện nay cũng cần được bổ sung những thành tố mới.
Thành tố cụ thể ở đây chính là văn hóa sử dụng AI hay đạo đức AI. Dù ở Việt Nam còn quá mới mẻ nhưng trên thế giới trong mấy năm gần đây đã hình thành hiệp hội đạo đức AI để đánh giá và kiểm soát quá trình phát triển cũng như sử dụng AI vì những mục đích phi nhân loại hoặc có thể phương hại đến con người. Ở cấp độ thấp, AI có thể lập trình; ở cấp độ cao, AI có thể viết kế hoạch chế tạo bom nguyên tử hoặc viết lại mã gen người… Nếu những khả năng này bị kẻ xấu sử dụng thì sao?
Do tốc độ phát triển như vũ bão của AI và mức độ thâm nhập vô cùng nhanh chóng của nó vào đời sống hiện nay, chúng ta phải thấy được tính cấp thiết của việc đào tạo sử dụng AI, khiến nó trở thành công cụ đắc lực để học tập và làm việc hiệu quả hơn trước nhiều lần. Thế nhưng, tính cấp thiết của việc ứng dụng AI cũng đặt ra vấn đề là chúng ta phải chú tâm đến công tác tu dưỡng đạo đức cho con người, sao cho AI được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp và vì nhân loại.
Nguồn: znews.vn
Thứ 7, 18/06/2022 | 00:38
Thứ 2, 28/02/2022 | 01:05
Thứ 6, 25/03/2022 | 19:41
Thứ 2, 28/02/2022 | 01:05
Thứ 4, 15/06/2022 | 07:26
Thứ 7, 18/06/2022 | 00:38
Thứ 7, 18/06/2022 | 02:57