Xây dựng chiến lược lâu dài phát triển ngành xuất bản

Xây dựng chiến lược lâu dài phát triển ngành xuất bản

Thứ 3, 02/07/2024 | 10:01

Ngày 22/3, Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024 sẽ diễn ra. Trước thềm hội nghị, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đưa ra những đánh giá tổng quan về ngành xuất bản trong năm 2023 cũng như những định hướng, mục tiêu trong năm 2024.

Sách ngắn, sách tinh gọn để lại dấu ấn

- Thưa ông, trong năm 2023, ngành xuất bản có những kết quả đáng chú ý nào?

- Năm qua, có 8 chỉ tiêu quan trọng lớn của ngành, chúng ta đạt và vượt 5 chỉ tiêu, 3 chỉ tiêu không đạt được.

Trong những kết quả đạt được, ấn tượng với tôi có lẽ là sự phát triển của xuất bản điện tử. Trong năm qua, tốc độ phát triển của xuất bản điện tử tương đối tốt, nhìn cả về phương diện các nhà xuất bản cho đến các đơn vị làm liên kết. Chúng ta có mức độ tăng trưởng từ hơn 20 nhà xuất bản lên đến thời điểm này là đăng ký làm sách điện tử, số lượng đầu sách xuất bản phẩm điện tử cũng đạt hơn 4.000 đầu sách so với năm trước (khoảng 3.300-3.600).

Ngoài ra các thị trường tiềm năng của sách điện tử, như sách nói, tăng trưởng đã thấy dấu hiệu của sự bền vững, tăng trưởng đều trong những năm qua. Sách nói đang tiếp tục được nhiều đơn vị tham gia vào thị trường, bên cạnh những đơn vị đã tiếp cận một thời gian dài như Fonos, WEWE, Waka, thời gian qua tiếp tục mở rộng thêm nhiều đơn vị như MyDio, Reavol, VTC và nhiều doanh nghiệp khác.

Đặc biệt, một số nhà xuất bản rất tích cực trong việc triển khai hệ thống sách điện tử trong đó có cả sách nói, sách thực tế ảo, sách 3D như Nhà xuất bản Thông tin truyền thông, Nhà xuất bản Xây dựng, nhiều đơn vị xuất bản khác.

Năm qua, các hình thức sách theo chỉ đạo, định hướng của bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có nhiều dấu ấn. Chúng ta thấy sự xuất hiện của những bộ sách ngắn, tinh gọn bắt đầu chiếm lĩnh thị trường và trở thành một dòng sách được các đơn vị quan tâm.

Sự kích hoạt của NXB Nông nghiệp, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, NXB Phụ nữ hay những bộ sách trước đây của NXB Kim Đồng nay tập hợp lại trở thành những bộ sách ngắn phục vụ đối tượng bạn đọc thiếu nhi tiếp tục được phát triển. Tôi cho rằng đây là một trong những xu hướng đã được các nhà xuất bản nhìn nhận, nhận thức và đang tiếp cận dần dần để có những bộ sách mới.

- Bên cạnh đó, ngành xuất bản tồn tại những hạn chế nào, thưa ông?

- Một trong những chỉ tiêu không đạt được trong năm qua là về mặt doanh thu. Nó cũng cho thấy câu chuyện thực tế là ngành xuất bản đang gắn rất chặt chẽ với kinh tế thị trường. Vì vậy, khi thị trường có những biến động mạnh chúng ta sẽ chịu tác động. Thứ hai, sự phát triển của ngành thời gian qua nhanh nhưng có những dấu hiệu cho thấy chưa phải là phát triển bền vững. Thị trường chúng ta còn đang co cụm, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, các thị trường tiềm năng chưa khai thác tốt, chưa mở ra thị trường mới để có thể tạo ra được những nguồn doanh thu mới.

Với câu chuyện xuất bản điện tử, chuyển đổi số, so với yêu cầu, các nhà xuất bản chưa thực sự đem lại cảm giác chuyển đổi số đã đi vào chiều sâu. Bên cạnh một số nhà xuất bản tích cực như NXB Chính trị quốc gia Sự thật, NXB Thông tin truyền thông, NXB Xây dựng… vẫn còn nhiều nhà xuất bản lớn, tên tuổi khá chậm chân trong câu chuyện này như NXB Văn học, nhiều nhà xuất bản khác. Đó là câu chuyện, bài toán tôi nghĩ rằng trong năm 2024 này cần phải được tháo gỡ và những thách thức đó cần phải được giải quyết.

- Một trong những chỉ tiêu chưa đạt được trong năm qua là doanh thu ngành sách không như kỳ vọng. Theo ông, nguyên nhân là từ đâu?

- 2023 là năm những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và khu vực, cả những khó khăn trong nước đã tác động rất mạnh lên các ngành sản xuất kinh doanh. Cũng phải nói rằng dù sách là một mặt hàng rất quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của xã hội song với nhiều người, rõ ràng sách không phải là mặt hàng thiết yếu, trừ một số nội dung liên quan đến các loại sách giáo khoa.

Vì thế, sức mua ở một số bộ phận khu vực có sự giảm rõ rệt. Việc doanh thu của ngành giảm là điều chúng tôi đã dự báo và nhìn thấy, và con số 5,23 chúng tôi thống kê về lượng năng sản xuất sách trên đầu người của năm qua đã là vượt so với dự toán ban đầu. Chúng tôi đã dự báo rằng năm 2023 chỉ có thể phấn đấu đạt được ở con số 5,0. Tôi nghĩ đó là con số rất đáng khích lệ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, công tác bảo vệ bản quyền

- Ông nhận định đâu là những thách thức ngành xuất bản đối mặt trong năm 2024?

- Tôi nghĩ rằng 2024 là một năm những khó khăn về kinh tế tiếp tục tác động tiêu cực lên ngành và chỉ số phát triển của năm nay tiếp tục là một thách thức. Chúng ta cũng rất khó để có thể vượt qua chỉ số tăng trưởng khoảng 5%. Với doanh thu năm nay, tôi kỳ vọng vượt trên 4.000 tỷ, đó cũng là một con số rất nỗ lực của ngành.

Số lượng đầu sách năm nay, chúng ta sẽ cố gắng duy trì ở mức 5,3-5,5%, tức là tăng trưởng rất nhẹ so với năm 2023 nhưng đó cũng là sự nỗ lực rất cao, còn kỳ vọng đạt 6 bản sách/người như năm 2022 rất khó, bởi rõ ràng là thị trường đang có sự thu hẹp đáng kể.

Tôi nhận thấy nhiều đơn vị đã có những dự án riêng liên quan đến thể loại sách ngắn rất phù hợp với thời đại, đúng xu hướng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất nằm ở bản thảo đầu vào, đang rất thiếu. Chúng ta đang phụ thuộc bản thảo đầu vào từ nước ngoài, bản thảo của một số cơ quan nghiên cứu, tác giả lớn trong nước, thiếu tác giả dành riêng cho việc viết các loại sách ngắn, tinh gọn.

Một thách thức đã nhiều năm và tới đây chúng ta cũng phải làm cho tốt, hiệu quả là xây dựng các hình thức quỹ cho sự phát triển của ngành, trong đó đặc biệt là quỹ phát triển xuất bản các cuốn sách có giá trị, số lượng ấn bản không nhiều, hoặc những cuốn sách muốn phát triển mạnh trong cộng đồng nhưng nguồn ngân sách nhà nước chưa thể thỏa mãn được nhu cầu đó.

Một trong những hình thức đang được ứng dụng một cách có hiệu quả ở cả lĩnh vực khác là crowdfunding (gọi vốn cộng đồng). Crowdfunding không phải là quỹ của Nhà nước nên chính mỗi đơn vị bộ ngành đều hoàn toàn có thể xây dựng được hình thức quỹ như vậy, nó sẽ trở thành một nguồn lực để xây dựng các bộ sách, tủ sách có giá trị đưa đến đông đảo độc giả.

Thách thức cuối cùng, chúng ta đã bắt đầu làm trong những năm qua, nhưng triển khai chưa hiệu quả là việc đưa sách về nông thôn, vùng sâu vùng xa, những vùng như trước đây chúng ta gọi là “trắng sách”. Nhờ thương mại điện tử nên việc vận chuyển sách về vùng sâu vùng xa không còn là câu chuyện lớn song cũng phải nói rằng sách phù hợp với đối tượng đó hiện nay còn ít, truyền thông sách hiện nay chưa tốt nên sách đưa về cũng khó.

Ngoài ra, rõ ràng là nguồn lực và văn hóa đọc ở các địa phương chưa tốt như khu vực đô thị, việc đưa sách về địa phương, từ đó dần dần hình thành nhu cầu đọc, văn hóa đọc ở địa phương là câu chuyện cần một thời gian để phát triển. Năm 2024, chúng ta cũng phải tìm nhiều cách để kích hoạt, phát triển được văn hóa đọc ở địa phương, cũng là phát triển thị trường ở địa phương.

Còn cả câu chuyện liên quan đến truyền thông sách, hiện nay có thể nói là một bộ phận cấu thành không thể thiếu được của người làm sách. Tuy nhiên nhận thức về việc đó, chuẩn bị nguồn lực cho việc đó, hiện nay ngành sách chưa sẵn sàng. Rất ít đơn vị có thể có được bộ máy con người, nhân lực để tiếp cận được thị trường, thực hiện marketing cũng như thực hiện việc truyền thông sách hiệu quả.

- Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xây dựng những chiến lược, kế hoạch ra sao để vượt qua những thách thức đó?

- Năm nay, tôi nghĩ câu chuyện của Cục không chỉ là đối phó những vấn đề khó khăn trước mắt mà còn phải có những vấn đề thuộc về chiến lược lâu dài.

Chúng tôi đề cao việc hoàn thiện thể chế, tập trung xây dựng và hoàn thiện để lập hồ sơ đề nghị sửa đổi luật xuất bản. Chúng tôi cũng sửa đổi nhiều thông tư ngay từ đầu năm, dự kiến vào khoảng giữa năm sẽ ban hành và thực hiện rất nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện các thể chế khác.

Một nội dung nữa là tập trung cao độ vấn đề chỉ đạo định hướng nội dung của năm nay, trong đó chúng tôi phát triển trên các nội dung: thứ nhất là thực hiện tốt việc triển khai để tiến tới thực hiện đại hội lần thứ XIV của Đảng, các sách tổng kết đại hội XIII, đánh giá tổng kết cũng như đưa ra đề xuất kiến nghị là rất quan trọng, cần thiết.

Thứ hai, đây cũng là năm có nhiều sự kiện lớn trọng đại của đất nước, chúng tôi tập trung để các đơn vị triển khai có hiệu quả giúp cho xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Đồng thời, sách phát triển văn hóa đọc nói chung và phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội cũng rất quan trọng. Năm nay, chúng tôi tập trung chỉ đạo định hướng các loại sách về khoa học công nghệ, văn hóa với mục tiêu phát triển văn hóa con người theo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng.

Chúng tôi cũng kỳ vọng với việc đa dạng loại hình sách như chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó đặc biệt phát triển các loại sách ngắn, tinh gọn với giá cả hợp lý để đưa ra sách thông qua các hình thức khác nhau như sách truyền thống, sách điện tử, các loại sách thực tế ảo khác, sẽ có được sự phát triển mạnh của xuất bản trên phương diện các nội dung này, qua đó tạo ra nền tảng cho sự phát triển của văn hóa đọc.

 

Thứ ba là công tác chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản các năm qua có những phát triển bước đầu và năm nay cần phải đi vào chiều sâu. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa kinh tế xuất bản gắn với chuyển đối số, trong đó có việc xuất hiện các nền tảng thanh toán trực tuyến kết nối với xuất bản, rồi các câu chuyện khác của ngành trong việc phát triển kinh tế gắn với các nền tảng.

Bên cạnh đó, phải phát triển nhân lực số. Nhân lực số đang là câu chuyện yếu ở nhiều lĩnh vực và xuất bản là một trong những biểu hiện rõ nhất. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các khóa đào tạo nhân lực số với đối tượng lãnh đạo, cán bộ chủ chốt sau đó là các nhân lực quan trọng của các đơn vị xuất bản, đơn vị phát hành để giúp chuyển đổi số đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả, thể hiện được các chỉ số tăng trưởng về mặt kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Với sự phát triển của xuất bản điện tử, vấn đề bảo vệ bản quyền cũng đang là một thách thức với tất cả các nước trong đó có Việt Nam. Việc xâm phạm bản quyền đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng với sự kết hợp của nhiều cơ quan đặc biệt là sự chung tay từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan bên Bộ Văn hóa, khối văn hóa, sự kết hợp của các đơn vị trong khối của bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các sở thông tin và truyền thông địa phương, sự hoạt động hiệu quả của các đoàn liên ngành, công tác bảo vệ bản quyền sẽ tốt hơn.

Đặc biệt năm nay, chúng tôi đang tích cực để xây dựng trung tâm bảo vệ bản quyền sách của Hội Xuất bản Việt Nam. Đây sẽ là một trong những kênh, giải pháp giúp cho việc bảo vệ bản quyền có được sự tập trung cao độ hơn nữa, giúp cho các đơn vị xuất bản có một đầu mối để đấu tranh với các hình thức vi phạm bản quyền, nhất là vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới.

- Ông kỳ vọng như thế nào về bộ mặt của ngành trong năm 2024?

- Những năm 2022, 2023 có thể nói ngành xuất bản đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhiều bộ sách, đầu sách, cuốn sách để lại rất ấn tượng, đặc biệt là các bộ sách, đầu sách của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đó là nguồn sinh khí tạo ra bước phát triển rất mạnh về sự quan tâm của các cấp các ngành cũng như xã hội đối với văn hóa đọc.

Hiện nay, truyền thông cũng đã rất chủ động vào văn hóa đọc. Năm 2024, tôi kỳ vọng và chắc chắn tin rằng truyền thông về văn hóa đọc tiếp tục có bước nở rộ. Truyền thông tăng trưởng cùng với sự hỗ trợ chỉ đạo tích cực từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là các ý tưởng, quan điểm chỉ đạo rất rõ ràng, cụ thể, xuyên suốt, khả thi của bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi cho rằng hoàn toàn có điều kiện để giúp cho truyền thông sách tạo ra nhiều dấu ấn hơn nữa, kích hoạt nhiều thị trường mới.

Tôi cũng kỳ vọng năm nay có được các quỹ xuất bản để có thể xuất bản những đầu sách lớn, giá trị hay những đầu sách trước đây chúng ta gọi là kén độc giả. Mong rằng ngành xuất bản sẽ tiếp cận và phát triển với định hướng mà Đảng, Nhà nước đặc biệt là bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo thực hiện trong suốt thời gian từ năm 2019 đến nay.

Nguồn: znews.vn